Ở Bắc Giang, trò chơi cướp cầu đã xuất hiện từ lâu đời và trở nên rất phổ biến trong các ngày hội làng, hội chùa, lễ tết.
“Minh liên xuân thủ/ Làng ta mở hội cướp cầu/ Cầu cho lúa tốt sai cau/ Cầu cho làng xóm trước sau thuận hòa/ Cầu cho lúa tốt bông hoa/ Cầu cho trai gái trẻ già bình an”. Bài tế cầu quen thuộc mở đầu cho một trận cầu quyết liệt vừa thể hiện sự linh thiêng, tôn nghiêm chốn đình chung, đồng thời là niềm vui, niềm hào hứng của người dân đến với hội cướp cầu.
Nghi lễ chuẩn bị vào hội cướp cầu. |
Trò chơi dân gian độc đáo
Ở Bắc Giang, trò chơi cướp cầu đã xuất hiện từ lâu đời và trở nên rất phổ biến trong các ngày hội làng, hội chùa, lễ tết... Các địa phương có truyền thống chơi cướp cầu lâu đời như: Nội Hoàng (Yên Dũng), làng Vẽ, xã Thọ Xương (thành phố Bắc Giang), Phương Lạn, Đân Hội (Lục Nam), Làng Vân (Việt Yên), Cầu Gồ (Yên Thế), Tiên Lục, Dương Đức (Lạng Giang), Cẩm Xuyên (Hiệp Hòa)...
Đây là một trong những trò chơi dân gian độc đáo, mang nhiều ý nghĩa của cư dân nông nghiệp, thường được tổ chức trong những ngày hội xuân, hội làng. Trong ngày hội, ngoài phần lễ được tổ chức tôn nghiêm, thì hội là phần thu hút được đông đảo người dân tham gia, cổ vũ nhất. Hội bao gồm nhiều trò chơi, diễn xướng khác nhau như: Chọi gà, đấu vật, chơi cờ, diễn văn nghệ... Đặc biệt, ở nhiều làng xã cổ của Bắc Giang còn có trò chơi cướp cầu.
Chơi cướp cầu bao giờ cũng có một sân cầu rộng, thường là ở trước đình, chùa, mỗi bên có một lỗ cầu kích thước vừa bằng kích thước của quả cầu. Quả cầu được làm bằng gỗ, hình tròn, màu đỏ, có đường kính khoảng 50-60cm và sau mỗi trận đấu lại được mang vào thờ tại hậu cung của đình làng. Cầu tượng trưng cho mặt trời. Sân cầu gồm hai lỗ: Một lỗ bên Đông (nơi mặt trời mọc) và một lỗ bên Tây (nơi mặt trời lặn). Ngoài ý nghĩa rèn luyện sức khỏe, tài trí và vui chơi ngày xuân, trò chơi cướp cầu còn mang nhiều ý nghĩa khác, bởi quan niệm cướp được cầu là cướp được năng lượng mặt trời, cướp được vận may về cho dân làng, để cho lúa khoai tươi tốt, cho mùa màng bội thu, cho dân an vật thịnh... Người dân quan niệm làng nào cướp được cầu năm đó thì có nhiều may mắn, niềm vui nên các trận cầu thường diễn ra sôi nổi, quyết liệt, mọi người ai cũng quyết giành lấy vận may.
Trò chơi cướp cầu đã xuất hiện từ lâu đời, trở nên phổ biến trong các ngày hội làng ở Bắc Giang. |
Rộn ràng hội cướp cầu
Luật chơi cướp cầu ở các làng có sự khác nhau, nhưng đều có cái chung là đưa được càng nhiều cầu về lỗ của làng mình thì càng tốt. Đặc biệt, ở làng Vân, xã Vân Hà, Việt Yên có trò chơi cướp cầu nước, sân cầu được đổ đầy nước và bùn đất, trai hai đội tham gia cướp cầu, vật lộn, trên mình lấm lem đầy bùn. Tiếng hò reo, cổ vũ ở xung quanh cùng tiếng trống, chiêng rộn rã khiến quang cảnh ngày hội càng náo nhiệt. Trò cướp cầu nước ở làng Vân có những nét rất riêng mà không ở đâu có.
Ở xã Dương Đức (Lạng Giang) có hai cách đánh cầu là đánh cầu lóc và đánh cầu đất. Trai các làng đóng khố, cởi trần vác lóc cầu lên vai. Lóc cầu bằng gỗ hoặc bằng củ tre, một đầu cong vừa bằng quả cầu và có cán. Khi ông chủ tế tung cầu lên mọi người đồng thanh hô và vỗ tay reo hò: ‘‘Nào các trai làng hãy vào chơi cầu cho mùa màng tươi tốt...”.
Trước ngày diễn ra hội cướp cầu, các làng tuyển chọn những trai đinh khỏe mạnh, vạm vỡ để tham gia hội, mỗi đội thường có 10 người, trong trang phục đóng khố, cởi trần và đi chân đất. Trước mỗi trận đấu là lễ tế cầu diễn ra tại cửa đình, ông hội chủ làm các nghi lễ trình báo thành hoàng, thần thánh. Trọng tài chỉ huy trận cầu là người cao niên và có uy tín, am hiểu luật chơi, dùng hiệu lệnh trống điều khiển.
Sau khi bài tế cầu kết thúc, ông chủ hội tung quả cầu từ trên bàn thờ xuống đất, trống chiêng và tiếng hò reo cổ vũ nổi lên, là lúc hai đội đua nhau xông vào ôm cầu, luồn lách, giằng co... cướp cầu đem vào lỗ cầu của đội mình. Kết thúc trận đấu, đội nào đưa được càng nhiều cầu vào lỗ cầu của đội mình là thắng cuộc và được nhận phần thưởng. Đồng thời, theo quan niệm của nhân dân thì giáp nào có đội thắng cuộc sẽ gặp được nhiều may mắn, bình an, làm ăn phát đạt, giàu sang, thịnh vượng, đây là trò diễn vừa mang tính tín ngưỡng, vừa mang tính thể thao, vì vậy không khí ngày hội càng thêm sôi động.
QNgày nay, một số làng ở Bắc Giang vẫn còn duy trì đựợc trò chơi cướp cầu độc đáo này. Tuy nhiên, trò trơi này ở nhiều làng đã bị mai một, quả cầu chỉ còn lưu giữ, làm vật thờ trong hậu cung của đình làng mà đã lâu rồi không đưa ra thi đấu. Các làng thường tuyển chọn những trai đinh khỏe mạnh, vạm vỡ để tham gia hội, mỗi đội thường có 10 người, trong trang phục đóng khố, cởi trần và đi chân đất. Trước mỗi trận đấu là lễ tế cầu diễn ra tại cửa đình, ông hội chủ làm các nghi lễ trình báo thành hoàng, thần thánh. Trọng tài chỉ huy trận cầu là người cao niên và có uy tín, am hiểu luật chơi, dùng hiệu lệnh trống điều khiển. |
Đắc Thụ
(Theo Giadinh.net.vn)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét